Header Ads

test

Phe Cộng hòa cạn kiên nhẫn với Trump

Đến tận khi Đồi Capitol "thất thủ" vì cuộc bạo loạn của những người ủng hộ Trump, nhiều nghị sĩ Cộng hòa mới cạn kiệt kiên nhẫn với Tổng thống.

Cuộc họp chứng nhận phiếu đại cử tri tại tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1 bị gián đoạn sau khi đám đông biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào bên trong, gây ra cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Các nghị sĩ được cảnh sát vũ trang hộ tống đi sơ tán, trong khi gần 1.500 vệ binh quốc gia cũng được triển khai tới Đồi Capitol để dẹp loạn.

Những nghị sĩ vừa trải qua "cú sốc" tập trung trở lại hội trường sau vài giờ, nhưng ý chí của họ dường như đã trở nên kiên quyết. Lưỡng viện nhất trí bác bỏ nỗ lực thách thức kết quả bầu cử ở bang Arizona của nhóm nghị sĩ Cộng hòa, với số phiếu áp đảo 93-6 tại Thượng viện và 303-121 tại Hạ viện.

Cuộc bạo loạn dường như đã tác động đến quyết định của một số nghị sĩ Cộng hòa, bởi dựa trên những tuyên bố công khai trước đó, ít nhất hơn 10 thượng nghị sĩ và 140 hạ nghị sĩ của đảng này dự kiến biểu quyết phản đối kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại nhiều bang chiến trường. Để kích hoạt phiên họp xem xét lại kết quả bầu cử ở mỗi bang, đơn kiến nghị cần chữ ký ủng hộ từ ít nhất một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ.

Đám đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào trong tòa nhà quốc hội Mỹ tại Washington hôm 6/1. Ảnh: AFP.

"Đừng tính tôi vào đó. Quá đủ rồi. Hết là hết. Mọi thứ đã chấm dứt", thượng nghị sĩ bang Nam Carolina Lindsey Graham, một trong những đồng minh thân cận nhất của Trump, tuyên bố trước Thượng viện.

Nghị sĩ Cộng hòa này cũng từng lên án ý tưởng thành lập một ủy ban để xem xét các cáo buộc vô căn cứ về những điểm bất thường trong cuộc bầu cử. Nhưng trước khi đưa ra tuyên bố tại Thượng viện hôm 6/1, ông không nói rõ có ủng hộ nỗ lực thách thức kết quả của phe Cộng hòa tại quốc hội hay không.

Trong những tuần ngay sau cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, Graham chính là một trong những thượng nghị sĩ Cộng hòa cổ vũ Trump đấu tranh nhiệt tình nhất. Tuy nhiên, các diễn biến tiếp theo dường như đã đẩy Graham đến giới hạn chịu đựng cuối cùng với Tổng thống.

Thượng nghị sĩ Georgia Kelly Loeffler, người vừa thất bại trước ứng viên Dân chủ Raphael Warnock trong cuộc đua tái tranh cử, tỏ ra đồng cảm với Graham. Bà cũng là đồng minh của Trump và từng tuyên bố sẽ tham gia nỗ lực thách thức phiếu đại cử tri trong phiên kiểm đếm tại quốc hội, nhưng giờ đây không giấu nổi sự thất vọng.

"Sáng nay, tôi đến Washington với quyết tâm phản đối việc chứng nhận các phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, những sự việc được phơi bày hôm nay buộc tôi phải suy nghĩ lại. Bây giờ, lương tâm tôi không cho phép phản đối việc chứng nhận các lá phiếu", Loeffler cho biết. Những thượng nghị sĩ Cộng hòa tiếp bước bà bao gồm Mike Braun, Steve Daines, Marsha Blackburn và James Lankford.

"Rõ ràng ủy ban mà chúng ta đề nghị sẽ không được thành lập", thượng nghị sĩ Lankford của bang Oklahoma nói, đề cập đến ủy ban xem xét những cáo buộc gian lận cử tri. "Tôi hiểu điều đó. Tối nay, chúng ta sẽ hướng đến việc chứng nhận Joe Biden trở thành tổng thống tiếp theo của nước Mỹ".

Sự việc hôm 6/1 là lần đầu tiên tòa nhà quốc hội Mỹ bị xâm nhập kể từ năm 1814, thời điểm chiến tranh Anh - Mỹ (1812-1815) đang diễn ra. "Tôi nghĩ rằng ngày này đã thay đổi mọi thứ một cách mạnh mẽ. Hãy bỏ ngày tồi tệ này lại sau lưng chúng ta", thượng nghị sĩ Braun của bang Indiana cho hay.

Theo bình luận viên Chris Cillizza của CNN, việc một số nghị sĩ Cộng hòa tuyên bố tham gia nỗ lực thách thức kết quả bầu cử tại quốc hội đơn giản là nhằm phục vụ tính toán chính trị của bản thân, giúp lấy lòng Trump và đông đảo cử tri ủng hộ ông, trong khi không phải lo lắng về viễn cảnh cuộc bầu cử bị lật ngược.

Tuy nhiên, hàng nghìn người trong đám đông ủng hộ Trump, những cử tri xông vào tòa nhà quốc hội với nỗi bất bình theo lời kêu gọi của Tổng thống, có lẽ không hay biết điều đó. Họ tin vào cam kết "lật kèo" của các nghị sĩ Cộng hòa, bị thuyết phục rằng cuộc bầu cử thực sự bị đánh cắp và có gian lận, bởi Trump và những kênh truyền thông cánh hữu nói như vậy, còn đa số nghị sĩ Cộng hòa giữ im lặng.

"Đáng lẽ không nên cần tới một cuộc nổi dậy công khai trong lòng chính phủ để thức tỉnh phe Cộng hòa rằng những phát ngôn, hoặc sự im lặng của họ, có thể gây ảnh hưởng vượt xa lợi ích chính trị cá nhân hạn hẹp. Những ảo tưởng của Trump về cuộc bầu cử để lại hậu quả thực tế nguy hiểm, như chúng ta đã chứng kiến hôm 6/1", Cillizza nhận định.

Sau Arizona, lưỡng viện Mỹ tiến hành thảo luận riêng và biểu quyết về kiến nghị thách thức kết quả tại Pennsylvania, sau khi văn bản phản đối nhận được chữ ký của cả thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ. Tuy nhiên, nỗ lực này bị cả Hạ viện và Thượng viện bác bỏ, với tỷ lệ bỏ phiếu lần lượt là 282-138 và 92-7.

Trong nỗ lực thách thức kết quả tại ba bang chiến trường Georgia, Michigan và Nevada, các văn bản phản đối đều chỉ có một hạ nghị sĩ ủng hộ, thiếu thượng nghị sĩ để đáp ứng điều kiện, nên cuối cùng "chết yểu".

"Trước khi xảy ra những hành động và sự kiện hôm nay, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ từ các thượng nghị sĩ. Tuy nhiên, sau khi biểu tình nổ ra, có lẽ một vài thượng nghị sĩ đã đổi ý, rút lại ý kiến phản đối của họ", hạ nghị sĩ Cộng hòa Jody Hice trình bày với Phó tổng thống Mike Pence về kiến nghị với Georgia.

4h sáng 7/1 (16h giờ Hà Nội), Pence, với tư cách Chủ tịch Thượng viện chủ trì phiên họp chung của quốc hội, xác nhận Trump giành được 232 phiếu đại cử tri, còn Biden nhận 306 phiếu và đắc cử tổng thống.

"Hãy trở lại làm việc thôi", Pence nói, trước khi gõ búa tuyên bố kết thúc phiên họp.


(Theo VnExpress)

No comments